TIN TỨC NỔI BẬT TIN TỨC NỔI BẬT

Quản lý hành chính của thành phố Hà Nội: Tăng cường phân cấp, ủy quyền
Ngày đăng 18/08/2022 | 08:27  | Lượt xem: 148

Xác định phân cấp quản lý hành chính là vấn đề cốt lõi, bao trùm toàn bộ để thực hiện hiệu quả mục tiêu phân cấp, phân quyền, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã và đang tăng cường rà soát các thủ tục hành chính để có phương án phân cấp, ủy quyền hợp lý, hiệu quả. Qua đó, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” Sở Nội vụ Hà Nội. Ảnh: Đỗ Tâm

Phân cấp quản lý hành chính là cốt lõi

Theo Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, thành phố thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội bắt đầu từ năm 2006. 16 năm qua, HĐND thành phố đã ban hành 2 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 8 quyết định về phân cấp và liên tục có rà soát, điều chỉnh phân cấp để phù hợp với các quy định của trung ương cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Hiện nay, thành phố đang thực hiện phân cấp đối với 15 ngành, lĩnh vực theo Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 3-8-2016 của HĐND thành phố về việc phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội (quy định khung về mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi, danh mục phân cấp trong 15 lĩnh vực trọng tâm). Ngoài ra, Hà Nội còn thực hiện phân cấp theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành do thành phố ban hành trong 31 lĩnh vực.

Thực tế thời gian qua cho thấy, Hà Nội chủ yếu thực hiện phân cấp về hạ tầng kinh tế - xã hội; trong khi đó, quản lý hành chính nhằm tăng cường chất lượng, hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước là vấn đề cốt lõi, bao trùm toàn bộ để thực hiện hiệu quả công tác phân cấp, phân quyền, ủy quyền. Trong đó, theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, việc thực hiện phân cấp, ủy quyền quản lý hành chính giữa UBND quận và UBND phường sẽ không để xảy ra tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết gây mất thời gian, công sức của người dân; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Trên thực tế, thành phố đã tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền quản lý hành chính. Từ năm 2021, Hà Nội đã triển khai thí điểm Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức tư pháp - hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường. Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình) Nguyễn Anh Dũng cho biết, việc ủy quyền giúp giảm đầu mối, lược bỏ các bước xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho công chức tư pháp - hộ tịch chủ động hơn trong việc bố trí thời gian giải quyết công việc.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Duy Cường thông tin, thành phố đang triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền trong giải quyết thủ tục hành chính với lĩnh vực đất đai, bảo đảm ủy quyền triệt để cho chi nhánh trực thuộc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất với một số trường hợp theo quy định.

Thực hiện ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu đã tạo điều kiện chủ động trong công việc cho cán bộ UBND phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình). Ảnh: Tiến Thành

Ưu tiên lợi ích thiết thực cho người dân

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội, nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ.

Việc xây dựng quy định theo tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để cần phải được thực hiện quyết liệt theo phương châm “từ trên xuống” trên cơ sở đề xuất “từ dưới lên”. “Cần tính toán kỹ các tác động đến người dân, trong đó những việc gì có lợi cho người dân thì cần ưu tiên làm trước, đặc biệt là những vấn đề dân sinh thiết thực”, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói.

Bám sát chỉ đạo của UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Anh Tuấn cho biết, qua rà soát 15 sở, ngành thành phố đang thực hiện 1.154 nhiệm vụ, tính trung bình mỗi sở, ngành đảm nhiệm 76 nhiệm vụ. Ngay trong năm 2022, thành phố phấn đấu phân cấp, ủy quyền ít nhất 20% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện. Bên cạnh đó, hiện nay các đơn vị đề xuất bổ sung phân cấp thủ tục hành chính về cho cấp sở 48 nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của UBND thành phố và Chủ tịch UBND thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà thông tin, Sở sẽ chỉ đạo tăng cường rà soát, bóc tách, bổ sung các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, tiếp tục rà soát các thủ tục còn lại để đề xuất phương án phân cấp, ủy quyền tổng thể về thủ tục hành chính, ưu tiên bảo đảm các nguồn lực đẩy nhanh việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, phấn đấu năm 2022 đạt 100% các thủ tục đủ điều kiện đạt mức độ 4, nâng cao chất lượng công vụ, công chức và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, nhất là việc tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ và trách nhiệm của người đứng đầu.

Nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, dự kiến UBND thành phố Hà Nội sẽ trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố tại kỳ họp diễn ra trong tháng 9-2022.

Nguồn: Báo Hà Nội mới