VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

VIỆC HỌC CỦA BÁC HỒ
Publish date 27/11/2019 | 11:00  | Lượt xem: 3075

Bài viết được trình bày tại Hội nghị “Tuần lễ học tập suốt đời” (2-10-2019)

 

          Năm 2019 vừa tròn 50 năm Bác Hồ đi xa, tròn 50 năm toàn Đảng và toàn dân ta tiếp nhận Di chúc của Bác và cố công thực hiện những lời dặn dò của Bác trong Di chúc. Mỗi người chúng ta đều có những tưởng nhớ rất sâu đậm về những hình ảnh thân thương của Bác, suy nghĩ nhiều về những sự chăm sóc ân cần và lời căn dặn tỉ mỉ của Bác, được nêu rõ trong bao nhiêu những câu chuyện kể về các cuộc gặp gỡ, đi thăm, nói chuyện, cùng làm của Bác với đồng bào. Có ý nghĩa nhất và giá trị nhất là việc chúng ta học tập và làm theo tấm gương của Bác, từ các việc Bác làm, các lời Bác căn dặn chỉ bảo, thực hiện vào cuộc sống của mình và vì sự nghiệp phát triển của Tổ quốc của dân tộc.

          Trong đó, tấm gương của Bác Hồ trong việc học, vô cùng sáng rõ với mỗi chúng ta.

 

          Theo Tiểu sử và tự kể, Bác Hồ thực hiện việc học rất đều đặn liên tục từ khi lớn lên cho đến những năm cuối đời. Học chữ, học làm thợ, học làm cách mạng, học ngoại ngữ, học lý luận chính trị, học khoa học - kỹ thuật, học chuyên môn nghiệp vụ, học quân sự, học rèn luyện sức khỏe, học những điều cần thiết có ích cho cuộc sống.

Cách thực hiện việc học của Bác là học từ gia đình, học ở trường lớp, học từ bạn bè, từ nhân dân, học trong thực tiễn, học đi đôi với hành; chủ yếu là tự học.

1. Học chính quy:

          - Khi nhỏ, học chữ Nho từ cha là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

          - Ở quê Nam Đàn, học chữ Nho ở cụ Cử nhân Hoàng Phan Quỳnh, thầy Vương Thúc Quý (người cùng làng, là một sĩ tử Cần Vương), thầy Trần Thân (ở làng bên), học thêm tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ (ở Quy Nhơn), và một số ông giáo khác.

          - Năm 1906 theo cha vào Huế, học lớp nhì và lớp nhất ở Trường Tiểu học Pháp-Việt Đông Ba. Trong kỳ thi primaire (tương đương tốt nghiệp Tiểu học) năm 1908, là một trong 10 học trò giỏi nhất của Trường Pháp-Việt Đông Ba, được thi vượt cấp vào hệ Thành chung trường Quốc học Huế, vào học từ tháng 8-1908 (cho đến đầu năm 1910 phải rời Huế, do cả người cha và hai anh em Tất Đạt, Tất Thành bị thực dân Pháp giám sát theo dõi).

          - Năm 1923-1924, học Trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông ở Matxcơva, đào tạo chính quy về Chủ nghĩa Mác, tuyên truyền và khởi nghĩa vũ trang.

          - Năm 1934-1935, học ở Trường Quốc tế Lênin tại Matxcơva.

          - Năm 1938, làm Nghiên cứu sinh ở Viện Nghiên cứu các Vấn đề Dân tộc và Thuộc địa của Quốc tế Cộng sản. Chủ đề Luận án là Vấn đề ruộng đất ở Đông Dương. (Việc nghiên cứu bị bỏ dở, bởi Quốc tế Cộng sản do Stalin lãnh đạo khi đó có những phê phán nặng nề về tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc đặt đấu tranh giải phóng dân tộc đi kèm với đấu tranh giai cấp, nhưng khác biệt về lực lượng tham gia cần tranh thủ; sau đó Nguyễn Ái Quốc về Trung Quốc để đảm nhiệm công tác liên lạc giữa Quốc tế Cộng sản và các đảng cộng sản tại Đông Nam Á).

 

2. Tự học:

          Tự học là cách thức chính để Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở nên một người lỗi lạc, một lãnh tụ thiên tài, một nhà văn hóa kiệt xuất.

          a) Tự học thêm kiến thức:

          - Những năm ở quê học các thầy dạy chữ Hán, cũng như khi học ở Trường Tiểu học Pháp-Việt và Trường Quốc học ở Huế, Nguyễn Tất Thành thường mượn thêm sách để đọc từ các sĩ phu yêu nước, từ thư viện của trường, để mở mang thêm kiến thức.

          Khi được nghe các bậc chí sĩ đàm đạo, Nguyễn Tất Thành đều có suy nghĩ nhận biết về chí khí của mỗi người và phân vân về cách làm của những người đó; có ý tìm một hướng đi khác cho mình.

          - Về tự học lý luận chính trị, trong bài “Con đường dẫn tôi đến Chủ nghĩa Lênin”, Bác viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba. Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác-Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

          Bác yêu cầu mọi người phải học lý luận chính trị, và dặn rằng: “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”.

          b) Tự học ngoại ngữ:

          Bác được học chữ Hán, tiếng Pháp khi nhỏ. Sang đến Paris khi còn chờ việc ở nhà người chủ tàu thì học tiếng Pháp qua cô giúp việc, qua nhờ chữa bài viết từ Luật sư Phan Văn Trường và nhiều người khác. Việc học tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Thụy Điển, ... đều tự học trong thời gian vài tháng đã có thể trao đổi nói chuyện dễ dàng.

          Quá trình bôn ba qua bao nhiêu nước, đến nước nào Người đều tự học tiếng nước đó. Do đó, Bác đọc sách báo được rất nhiều của các nước từ nguyên bản, như của Rútxô, Bandắc, Huygô, La Phôngten, Dôla bằng tiếng Pháp; Sếchxpia, Đíchken, Giắc Lânđơn bằng tiếng Anh; Puskin, Tônxtôi, Goócki bằng tiếng Nga; Quách Mạt Nhược, Lỗ Tấn bằng tiếng Trung; v.v...

          Bác có nhiều bài, nhiều tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, Anh, Nga, Trung. Điển hình là các bài báo đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp, tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, vở kịch Con rồng tre, ... viết bằng tiếng Pháp; tập thơ Ngục trung nhật ký viết bằng chữ Hán là một tuyệt tác được nhiều tác gia Trung Quốc sánh như thơ của Đỗ Phủ.

          Bác đã giỏi tiếng Hán, nhưng khi đọc Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) thấy có chữ nào mới, khó, Bác ghi lại và viết thư hỏi ông Văn Trang làm việc ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhờ giải nghĩa.

          Trước khi đi thăm nước nào, Bác đều ghi và học một số câu nói thông thường để phục vụ cho việc giao tiếp. Những năm hoạt động ở nước ngoài, cũng như khi đã là Chủ tịch nước, Bác trực tiếp giao thiệp với nhiều chính khách và nguyên thủ các nước bằng chính ngôn ngữ của nước đó. Có những lần, Bác còn gỡ bí cho cán bộ phiên dịch của ta khi chưa biết dịch chữ Việt đó ra tiếng nước ngoài thế nào.

          Bác khuyên mọi người: Biết tiếng nước ngoài ta dễ gây cảm tình lắm, gặp người dân thường mình cũng nói chuyện được dăm ba câu, nói được thì gây ảnh hưởng tốt lắm! “Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người”. “Học thêm được một thứ tiếng nước ngoài coi như có thêm một cái chìa khóa để mở thêm kho tàng tri thức. Việc học là việc suốt đời”.

          c) Về rèn luyện sức khỏe:

          Những năm ở nước ngoài cũng như sau khi về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã tìm hiểu nghiên cứu kỹ về văn hóa thể chất phương Đông, phương Tây. Bác chỉ thị xây dựng nền thể dục thể thao cách mạng Việt Nam, và bản thân Bác nêu gương về tự rèn luyện sức khỏe thường xuyên kiên trì để toàn dân noi theo.

Bác nói: “Luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khăn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”.

Bác khuyên: “Chớ bao giờ ngồi không. Lúc rảnh việc, thì nên nghiên cứu các vấn đề, hoặc theo sức mà tăng gia sản xuất. Như thế đã bổ ích cho thân thể lại vui cho tinh thần. Chớ tắm nước lã nhiều quá. Chớ uống nước lã, chớ ăn no quá, chớ ngủ trưa nhiều”.

Bản thân Bác rất đều đặn thực hiện tập thể dục, đi bộ hàng ngày. Bác tập đều bài Bát bộ liên hoa quyền gồm 49 động tác. Những năm sức khỏe Bác đã yếu, Bác vẫn giữ việc tập thở và đi bách bộ, mỗi ngày vài lần, mỗi lần dăm trăm mét, vừa đi vừa nói chuyện hoặc dặn dò công việc.

          d) Trong thực hành, Bác luôn chú ý về cách đọc, cách nói, cách viết, cách làm.

          Bác thường ngày đọc nhiều báo, đọc sách. Chỗ nào cần ghi nhớ, Bác dùng các loại ký hiệu để đánh dấu: với gương người tốt, việc tốt đánh dấu khoanh tròn; chỗ cần lưu ý đánh dấu một vạch; vấn đề nào còn chưa rõ, nghi ngờ đánh dấu hỏi; bài đã xem xong đánh dấu hai vạch; có khi ghi chữ Hán, Pháp, Anh, Nga bên lề trang sách báo tài liệu để ghi nhớ. Đối với những bài, đoạn quan trọng, Bác ghi vào sổ, hoặc cắt dán làm tư liệu lưu giữ. Bác căn dặn: “Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề gì chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi “Vì sao?”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”.

Về cách nói, Bác luôn tìm cách nói rất giản dị, cô đọng, hàm súc, dễ hiểu, dễ nhớ, gần gũi với thực tiễn. Bác đúc kết những suy nghĩ về cách nói, cách tuyên truyền là: Nói cho ai nghe? Nói để làm gì?  Nói cái gì? Lấy tài liệu đâu mà nói? Nói thế nào? Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Cách tuyên truyền thế nào?

Về cách viết, Bác đã học viết báo Pháp từ viết mẩu tin rất ngắn, đến viết tin ngắn rồi tin nhiều dòng hơn, đến khi đã viết được dài thì lại học cách viết thu gọn lại. Bác thường khuyên: Cần phải viết ngắn gọn, còn viết dài mà rỗng thì không tốt, viết ngắn mà rỗng cũng không hay. Phải chống tất cả thói viết rỗng, viết dài. Viết ngắn gọn nhưng không được thiếu, không được qua loa, đại khái, dùng từ phải chính xác, dễ hiểu. Viết dài nhưng mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích thì không phải là rỗng, không phải nhất thiết cái gì cũng phải viết ngắn mới tốt. Khi viết cố gắng phải ngắn gọn, song phải có nội dung, tránh lối viết khô khan, kém hoạt bát, không phổ thông, tránh dùng chữ nước ngoài không đúng nghĩa, hay nói chính trị suông, v.v...

Về cách làm, Bác để ý học theo từ những người lao động bình thường. Vừa làm vừa rút ra cách làm tốt hơn.

3. Một số câu chuyện về việc học của Bác Hồ:

          a) Ngay từ khi mới lớn lên, Nguyễn Tất Thành đã được cha dạy: “Học cốt để biết đạo lý làm người, để giúp dân, không nên theo đuổi mục đích đỗ đạt để làm quan và nhũng nhiễu dân”. Nguyễn Tất Thành thường được tiếp xúc với nhiều sĩ phu yêu nước đến bàn luận cùng thầy dạy học, với cha về cách cứu nước, trong đó có Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, khi ở Pháp có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.

          Bác Hồ sau này có lần kể về suy nghĩ khi đi tìm đường cứu nước, như sau: Nhân dân Việt Nam, trong đó có cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ. Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.

         Câu chuyện sau đây ở năm 1924, Nguyễn Ái Quốc trả lời Giovani Giecmanetto phóng viên báo L’Unita của Đảng Cộng sản Italia:

         PV: Tại sao anh lại sang châu Âu?

        NAQ: Trước đây tôi có đọc một số tờ báo phát hành sang nước tôi, một vài tờ có tính chống đối ở An Nam, có những người lính lê dương do Poăngcaré gửi sang để cải huấn. Những người lính lê dương này đọc đủ thứ. Họ là những kẻ chống đối về bản chất. Họ cho tôi đọc các báo Pháp. Vì thế tôi nảy ra ý muốn xem “mẫu quốc” ra sao và tôi đã tới Paris. Khi Trường Đại học Phương Đông ở Matxcơva mở, tôi bèn xin học ...

        PV: Khi học xong, anh dự định làm gì?

       NAQ: Dĩ nhiên là tôi sẽ trở về Tổ quốc tôi để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng tôi ... Việc thành lập Trường đại học bônsơvich đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử các dân tộc thuộc địa ở phương Đông, nhà trường đã dạy chúng tôi nguyên lý đấu tranh giai cấp, và nhà trường đã đặt mối liên hệ giữa chúng tôi với các dân tộc phương Tây và trang bị cho chúng tôi - những người nô lệ, khả năng hoạt động chặt chẽ.

          b) Về cách tự học, Bác phổ biến kinh nghiệm: “Ngoài cách học ở trường, ở lớp, học trên sách, báo, v.v..., có một cách học rất tốt ai cũng có thể tham gia hằng ngày. Đó là cách học tập ngay trong sản xuất, học tập những người, những tổ, những đơn vị tiên tiến”. Bác còn dặn: Không chỉ học tập những người tiên tiến, mà còn phải biết học những cái hay, cái tốt, tránh cái dở, cái xấu của cả những người trung bình hoặc chậm tiến để có thể giúp ta tiến bộ.

          Năm 1968, khi bàn về xuất bản loại sách Người tốt, Việc tốt, Bác có nêu: “Con gái có cần phải học con trai, học anh em, chồng con mình hay không? Con trai có cần phải học con gái không? Trẻ em có cần phải học người già không? Bộ đội có cần phải học nhân dân không? Tiền tuyến có cần phải học hậu phương không? Anh hùng chiến sĩ có cần học những người bình thường không? Cán bộ, đảng viên có cần phải học quần chúng nhân dân không? Cấp trên có cần phải học cấp dưới không? Như vậy là các chú cũng đồng ý với Bác: Một người phải biết học nhiều người”.

          - Trong lý lịch tự khai ở Đảng Cộng sản Pháp cũng như khi tham dự hội nghị và đại hội của Quốc tế Cộng sản, Người đều ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Bác có kể: “Về văn hóa, tôi chỉ học hết lớp tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: năm 17 tuổi tôi mới thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 29 tuổi mới nghe rađiô lần đầu tiên”.

          Năm 1959, khi sang thăm Inđônêxia, Bác đã nói chuyện với thầy giáo và sinh viên Trường đại học Patgiagiaran là: “Tôi không có điều kiện học tập khi còn trẻ, nhưng đã học tập trong xã hội, trong cuộc sống và đã học tập để biết yêu nhân dân, yêu Tổ quốc, yêu hòa bình và ghét chủ nghĩa đế quốc, ghét áp bức và chủ nghĩa vị kỷ”.

          - Bác có kể về việc học trong thực tế của Người như sau: “Đến Quảng Châu hồi 1924-1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó. Tôi được tham gia việc dịch tài liệu nội bộ và việc “tuyên truyền đối ngoại”, tức là viết bài về phong trào công nông cho một tờ báo bằng chữ Anh. Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc (cuối 1938) vào thời kỳ kháng chiến chống Nhật. Là một người binh nhì trong “Bát lộ quân”, tôi làm chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó, được bầu làm Bí thư Chi bộ (kiêm phụ trách nghe rađiô) của một đơn vị ở Hành Dương. Thế là tôi học được một ít kinh nghiệm xây dựng Đảng khi ở Liên Xô; kinh nghiệm đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản khi ở nước Pháp; kinh nghiệm chống thực dân và phong kiến khi ở Trung Quốc”.

          (Bác gia nhập Bát lộ quân, đóng quân ở Diên An và sau về Côn Minh, được phong đến cấp bậc Thiếu tá).

          c) Có một lần chuẩn bị đón đoàn khách quý của Nhà nước, Bác cho gọi một số cán bộ của Trung đoàn 600 tới phủ Chủ tịch để lựa chọn sĩ quan tùy tùng. Bác giải thích: “Đoàn khách này là khách quý của Nhà nước. Họ rất quý mến Việt Nam, ta cần tranh thủ bạn. Song, họ có cuộc sống cao, lại rành giao tiếp, vì vậy việc đón tiếp cần phải lưu ý từ những chi tiết nhỏ. Các chú đều đánh giặc giỏi, trách nhiệm bảo vệ phải cao. Nhưng trong giao tiếp ngoại giao, còn nhiều điểm chưa tìm hiểu. Nay Bác cần các chú học thêm về giao tiếp, từ cách cúi chào, bắt tay sao vừa lịch sự, lại vừa đàng hoàng, khiêm tốn, nhã nhặn. Phải học ngoại ngữ, và cả khiêu vũ nữa”. Bác chọn đại úy Nhân, Đại đội phó của Tiểu đoàn 144 để học về lễ nghi, học một số từ tiếng Anh trong giao tiếp, học khiêu vũ. Sau mấy ngày tập, Bác gọi lên kiểm tra về cách tháp tùng nguyên thủ quốc gia, về cách ăn tiệc với khách. Bác bảo đồng chí Nhân: “Phải khéo gợi ý, khéo trả lời. Biết cách nắm bắt ý khách. Mình cùng họ ăn uống là để họ ăn uống vui vẻ, còn mình rất chừng mực. Mời món gì cũng là để giới thiệu, còn để họ tự do. Chớ có gắp đầy bát đĩa của người ta, làm mất tự do của người ta, là khách sẽ không bằng lòng đâu”. Bác đưa ra một tình huống: “Ngày thường Bác thường để hộp thuốc lá ở túi. Khi hút, Bác tự lấy ra hút. Nhưng khi ra sân bay đón khách, trước nhiều khách quốc tế, các nhà báo, Bác không thể như ở nhà. Khi Bác muốn hút thuốc chỉ nhìn lại, sĩ quan tùy tùng phải tiến lên mở hộp để Bác lấy thuốc, chú bật lửa, động tác này phải rất khéo, lịch sự ...”. Bác cho đồng chí Nhân tập mấy lần, đã thuần thục, rồi Bác bảo: “Chú thực hiện động tác quá tốt, nhưng đây là trong phòng. Ra sân bay có nhiều khách, sẽ làm chú mất bình tĩnh. Lại có gió, mùa này, phần nhiều là gió đông nam, song đôi khi đổi chiều gió tây nam, hay gió đông bắc. Chú bật lửa mà không lựa chiều gió sẽ cháy râu Bác. Các cháu thiếu nhi nó bắt đền, chú lấy râu đâu mà đền!”.

d) Đồng chí Nguyễn Văn Mùi lái xe cho Bác từ 1961 đến 1969 kể:

Một buổi chiều, Bác đi xe ôtô Pôbêđa màu sữa quen thuộc sau buổi công tác ra ngoại thành Hà Nội về, xe dừng lại sau nhà sàn của Bác thì Bác hỏi: “Bây giờ chú Mùi có bận việc gì không?”. Đoán chắc Bác cần việc gì đấy, đồng chí Mùi lễ phép thưa: “Dạ thưa Bác có việc gì cần không ạ? Giờ này cháu cũng rỗi rãi”. Bác bảo: “Thế thì chú hãy khoan xuống xe, ngồi lại dạy cho Bác học cách lái với”. Thấy đồng chí Mùi ngạc nhiên lúng túng, Bác nói rõ: “Bác học lái xe là để khi ngồi vào xe cũng biết được đâu là số tiến, đâu là số lùi, cách khởi động máy ra sao. Học chỉ để biết thôi, chứ thật sự lái xe phải có bằng, nắm chắc luật lệ giao thông, và phải được phân công”. Rồi Bác kể là tối hôm trước Bác đọc báo nước ngoài có một câu chuyện về cô giáo dạy lớp 1 đưa các cháu đi thăm cảnh đẹp quê hương; chiếc xe chở khoảng 30 cháu; cô giáo ngồi cạnh lái xe để dẫn đường và quan sát các cháu; xe chạy đến một cái dốc thì chậm lại vì có khúc quanh ngoặt bên cạnh hồ nước; đến khúc quanh bỗng người lái xe chệnh choạng tay lái và gục xuống; cô giáo vội cầm ngay cần phanh kéo mạnh về phía sau, xe đứng khựng lại không bị lao xuống hồ nước. Qua mẩu chuyện đó Bác thấy nếu biết được việc gì hay việc đó. Thế là từ đấy, những chiều đi công tác về còn thời gian, Bác lại tranh thủ bảo đồng chí Mùi hướng dẫn Bác cách thao tác với các bộ phận kỹ thuật của xe. Bác cũng chỉ thị cho mọi cán bộ cùng làm với Bác phải học biết lái xe để khi cần là có thể giải quyết được.

đ) Sau này, Bác Hồ đã chỉ rõ mục đích học tập là: học để biết, học để làm, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Năm 1961, khi nói chuyện với lớp học nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc, Bác kể: “Có người nói: Làm việc bếp núc vất vả, không học tập được, không vẻ vang. Nói vậy không đúng. Ngày trước, Bác cũng đã làm phụ bếp. Lúc đó Bác là vong quốc nô, làm phụ bếp cho thực dân Pháp. Công việc vất vả từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ tối. Nhưng Bác vẫn học được văn

hóa và chính trị. Có quyết tâm thì nhất định học được. Ngày nay, các cô, các chú có điều kiện thuận lợi hơn nhiều. Bác mong các cô, các chú cố gắng học để tiến bộ”.

          Bác căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”.

          Năm 1961, Bác nêu: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt, Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.

          Năm 1966, Bác nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

          Trong Di chúc của Người để lại cho chúng ta, không có câu nào, chữ nào trực tiếp dặn về việc học. Nhưng ý ở hai chỗ có thể hiểu là Bác dặn cần phải học.

- Nói về Đoàn viên và thanh niên, Bác dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.”

- Câu cuối cùng của Bác: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt-nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.”

Chúng ta hãy học và làm theo tấm gương tự học và học tập suốt đời của Bác Hồ.

 

Vũ Hy Chương