CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, sẽ sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm…
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Tờ trình |
Chiều 20-11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND).
Trình bày tờ trình, ông Y Thanh Hà Niê K'đăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo đã nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành luật này cũng như mục đích, quan điểm xây dựng luật.
Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung 77 khoản của 43 điều, bổ sung mới 08 điều và bãi bỏ 01 khoản của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Trong đó, bổ sung 01 điều (5a) quy định về giám sát của HĐND nơi tổ chức chính quyền đô thị.
Mặt khác, sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong hoạt động giám sát…
Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Trong đó, đối với Luật Tổ chức Quốc hội: Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về lấy phiếu tín nhiệm (tại Điều 12), bỏ phiếu tín nhiệm (tại Điều 13). Đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về lấy phiếu tín nhiệm (tại Điều 88), bỏ phiếu tín nhiệm (tại Điều 89).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Về phạm vi sửa đổi, Ủy ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung, nhất là các nội dung luật hóa quy định tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời nghiên cứu làm rõ để đề xuất sửa đổi một số nội dung khác có vướng mắc, bất cập, bổ sung một số phương thức giám sát, giải pháp đổi mới được đúc kết qua tổng kết thực tiễn cho thấy hiệu quả, cần thiết nhưng chưa được Luật quy định.
Nguồn: Báo An ninh thủ đô