VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Chỉ hướng dẫn thôi chưa đủ
Ngày đăng 23/06/2023 | 14:20  | Lượt xem: 146

Ít hôm nay, mạng xã hội cũng như các phương tiện thông tin đại chúng dành không ít thời lượng để nói về các khóa học kỹ năng mùa Hè.

Chuyện vốn là mối quan tâm của không ít gia đình và cả xã hội, nay lại càng nóng lên sau sự kiện được gọi là Vụ "trải nghiệm kinh hoàng" xảy ra tại khóa tu Hè ở chùa Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đó là câu chuyện của một người mẹ đăng trên mạng xã hội về việc con trai mình khi tham gia khóa tu tại đây bị bạn gây gổ, dùng ghế đánh vào đầu vào mặt gây thương tích, người ngợm, quần áo hôi hám bẩn thỉu vì không có nước tắm, chân tay chi chít vết muỗi đốt…

Nhân sự kiện này, cư dân mạng và giới truyền thông lại nêu câu chuyện các khóa học kỹ năng mùa Hè, cảnh báo các gia đình, các bậc phụ huynh cần thận trọng khi lựa chọn các khóa học này cho con em mình.

Những năm gần đây, cứ dịp sắp vào Hè là trên các nền tảng mạng xã hội liên tục xuất hiện hàng loạt thông tin về các khoá học kỹ năng, hoạt động trại Hè cho trẻ với đa dạng hình thức và mức giá như trại hè tiếng Anh, trại Hè quân đội, trại Hè giao lưu nghệ thuật, khởi nghiệp...

Trước tình trạng “trăm hoa đua nở” đó, vào cuối tháng 12/2022, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Thông tư 27/2022/TT-BLĐTBXH, trong đó có nội dung hướng dẫn hoạt động này, nhằm bảo đảm quyền của trẻ em khi tham dự với môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, kỳ thị. Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) cũng đã tổ chức phổ biến, tập huấn thông tư này đến các cơ sở công an, quân đội, đoàn thanh niên, cơ sở tôn giáo, những nơi có tổ chức các khóa sinh hoạt mùa Hè.

Ở một động thái khác, Đại đức Thích Nguyên Chính - Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết trước mỗi mùa nghỉ Hè, Giáo hội đều có chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành trên cả nước về việc tổ chức khóa tu mùa Hè phải bảo đảm tối thiểu về chỗ ăn, uống, ngủ, nghỉ, sinh hoạt, các giáo lý giảng dạy, trò chơi cho các em tham gia.

Trở lại vụ “trải nghiệm kinh hoàng” tại khóa tu Hè ở chùa Cự Đà. Ngay sau khi vụ việc được thông tin, Đại đức Thích Di Kiên, trụ trì chùa khẳng định, từ nay chùa Cự Đà sẽ dừng vĩnh viễn tất cả các khóa tu sau vụ việc phụ huynh phản ánh. Cô Diệu Tịnh Thu (tức Phạm Thị Thu), người phụng sự Phật pháp và trợ duyên hỗ trợ quản lý khóa tu tại chùa Cự Đà cũng đã có tâm thư xin sám hối và xin lỗi phụ huynh với các em theo khóa học.

Tuy nhiên, ngày 18/6, bà Phạm Thị Thu - Trưởng ban tổ chức khóa tu chùa Cự Đà lại đăng thông tin trên một nhóm Zalo có nhiều phụ huynh về việc tổ chức khóa tu thứ 3 ở một resort, với những lời lẽ khá tự tin, nếu không nói là ngạo mạn, thách thức: "Bản thân chúng ta tự làm chủ được chính mình. Con chúng ta sẽ sống vươn cánh như đại bàng, sống được ở mọi môi trường như thiếu nước, thiếu điện, không gian eo hẹp...”.

Từ vụ việc trên, có thể thấy mặc dù đã có sự hướng dẫn, nhắc nhở từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức có thẩm quyền, bên cạnh những nơi đã làm tốt, vẫn còn một số đơn vị, cá nhân mà điển hình là bà Phạm Thị Thu vẫn không tuân thủ các quy định về việc bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, bình đẳng… khi tổ chức các khóa học kỹ năng Hè, kể cả khi vừa để xảy ra sự cố đáng tiếc như ở chùa Cự Đà.

Như vậy, rõ ràng bên cạnh những thông tư, chỉ thị… cần có sự thanh tra, kiểm tra, thường xuyên, sát sao và chế tài xử lý nghiêm khắc từ phía các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để trả lại cho hoạt động này ý nghĩa tốt đẹp của nó. Bởi như đã thấy qua vụ việc này, chỉ hướng dẫn bằng các thông tư, chỉ thị thôi là chưa đủ.

Nguồn: Báo Kinh tế đô thị